Đồng chí Phạm Quang Nghị tiếp quản cái ghế Bí thư Thành ủy HN hồi 7/2006
từ đồng chí Nguyễn Phú Trọng. Càng lãnh đạo Hà Nội lâu, đồng chí Nghị càng
bộc lộ bệnh giáo điều, cơ hội, tiêu cực đến phát sợ. Ngôn từ của đồng
chí thì rất to tát nhưng việc làm lại tỉ lệ nghịch. Về Hà Nội ít lâu, đồng
chí Phạm Quang Nghị chọn mấy cái nhà lô nhô để cắt ngọn nhằm thị uy. Hãy
nhìn HN sau 8 năm được đồng chí Nghị cắt ngọn mà xem: Ngọn càng ngày
mọc ra càng nhiều, năm sau cao hơn năm trước.
Giải pháp của đồng chí là ra Nghị quyết suông và hô hào quyết tâm. Cứ quyết tâm là được. Biện pháp 1 thì quyết tâm 10. Như vậy, biện pháp không phải là cái gì đó quan trọng |
Đồng chí lồng ghép các việc làm vụn vặt vào nghị quyết Đảng Thành phố rồi mở lớp hô hào quán triệt, hạ quyết tâm tại các cấp. Chỉ cần quyết tâm là được.
Về hành chính, công tác cán bộ, đồng chí là tác giả của các cú luân
chuyển cán bộ. Thực chất là chạy chức chạy quyền. Ngày xưa chỉ chạy một
lần, nay phải chạy hàng năm thậm chí hàng quý. Đại biểu HĐND đã nhiều
lần đề cập nạn chạy chức chạy quyền tại HN nhưng tất cả lại đâu vào đấy.
Thủ trưởng, người đứng đầu các đơn vị đều do một tay đồng chí cắt đặt.
Chạy rồi thì phải gỡ vốn. Khi bị dư luận phanh phui về nạn chạy chức, ăn
hối lộ, đồng chí nói tỉnh bơ: HN bôi nhưng không trơn. Ý là toàn bộ
những cái sai đều do cấp dưới. Thử hỏi cái khoản mỡ nhờn đã bôi thì cuối
cùng chảy đi đâu và ai ăn?
Về xây dựng và quản lý đô thị, HN càng ngày càng lem nhem, teo tóp. Các
công viên, không gian công cộng bị thu hẹp. Nhà cửa không phép mọc lên
công khai. Quỹ đất đô thị bị sử dụng bừa bãi, phí phạm, phá nát quy
hoạch ổn định của Hà Nội. Tình hình giao thông thì ngày càng trầm trọng,
bế tắc. Đích thân đồng chí chọn đồng chí Hùng làm giám đốc Sở GTVT Hà
Nội mà đồng chí này không có chuyên môn giao thông. Việc can thiệp này
của Bí thư đi ngược lại văn bản của Bộ trưởng Bộ GTVT quy định chức vụ
Giám đốc các Sở GTVT phải có chuyên ngành về giao thông. Quy hoạch của
thủ đô thì tủn mủn, manh mún chắp vá. GPMB thì bê bết, tiêu cực. Hễ đề
cập đến GPMB là đồng chí lại hô quyết tâm rồi lên gân lên cốt cho toàn
hệ thống chính trị vào cuộc tìm mọi thủ đoạn để đoạt đất của dân. Đồng
chí không hề đi sâu tìm hiểu nguyên nhân sâu xa của khó khăn trong GPMB
chính là do quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân bị xâm phạm.
HN là nơi ngốn gần ½ kinh phí xây dựng cơ bản của cả nước. Ngân sách bị
ném vào hàng vạn hạng mục công trình một cách lãng phí. Những cây cầu
mới xây hàng nghìn tỉ nay lại phải đập đi để xây cầu vượt khác hàng
nghìn tỉ trên cùng vị trí. Xót xa chưa. Tuyến phố mẫu, chỉnh trang đô
thị ngốn hàng chục nghìn tỉ mỗi năm mà HN càng ngày càng lem nhem. Dịp
1000 năm Thăng Long – Hà Nội, đồng chí Bí thư chỉ đạo ném hàng mấy chục
nghìn tỉ vào nhiều công trình chào mừng mà nay đều thành biểu tượng của
xuống cấp và lãng phí. Hà Nội có cần chào mừng 1000 năm Thăng Long bằng
ngần ấy công trình hoành tráng rồi đắp chiếu không? Giao thông, bến bãi
HN thì lộn xộn. Bến xe mọc lên theo cảm tính và lợi ích riêng của cán bộ
quản lý. HN gần đây dẫn đầu cả nước về bẩn thỉu, úng lụt đô thị. Các
dự án thoát nước hàng chục nghỉn tỉ, hiệu quả ra sao? Tất cả ai cũng đều
rõ trừ đồng chí Bí thư..
Về kinh tế – xã hội: HN ngốn hàng nghìn tỉ của nhà nước cho công tác
hành chính nhưng chỉ số cạnh tranh của HN liên tục bị rớt hạng … Dân và
doanh nghiệp không ngớt kêu ca về thủ tục hành là chính của quan HN.
Tình hình nghiêm trọng đến nỗi chính đồng chí Bí thư Thành ủy phải than
(không biết than giả vờ hay than thật) là: “các nơi khác bôi trì trơn,
HN bôi rồi cũng không trơn”. Nhiều công trình không quyết toán, không
đánh giá hiệu quả. Các ông trời con như Hùng, Khôi tha hồ đốt tiền của
dân … Nếu đứng trên cương vị lãnh đạo quốc gia, mà đồng chí làm như vậy
thì sẽ dẫn đất nước này về đâu? Mê tín dị đoan phát triển mạnh. Ngay Ủy
ban, Đảng ủy các cấp công khai … hội hè, lễ lạt cực kỳ tốn kém. Trường
lớp thì xuống cấp. Năm nào cũng xảy ra nạn chạy trường, chạy thày, chạy
cô. Tiêu cực cứ ngang nhiên xảy ra tại Thủ đô. Trong lĩnh vực y tế, việc
ăn bớt vắc–xin của trẻ em tại Phòng tiêm chủng của Sở Y tế Hà Nội vừa
qua đủ cho thấy tình hình y tế HN đã nát đến đâu.
Dân nghèo đô thị, nông dân không có công ăn việc làm. Một bộ phận lớn
nông dân bị tước đoạt ruộng đất trong các chiến dịch GPMB, sau đó bị
đẩy vào cùng cực vì mất hết đất sản xuất, mất sinh kế. Hơn 2 triệu nông
dân cả Hà Tây cũ mất hết ruộng đất, không nghề nghiệp.
Về quản lý nhà đất: Hàng trăm dự án bất động sản chưa hoàn thành thủ tục
pháp lý, chưa đền bù đã được ưu tiên “cưỡng chế” để rồi nay bỏ đất
không. Đất đai đô thị đang bị hô biến. Ai xẻ thịt chợ 19/12? Ai xén công
viên Thống Nhất? Ai cho phép hàng loạt các công viên, vườn thú được cho
thuê đất làm nhà hàng, khách sạn? Quản lý đất nông thôn thì lỏng lẻo
chồng chéo, tiêu cực. Hàng nghìn biệt thự công dạng 61 bị bán vô tội vạ
và bán một cách bí mật. Tài sản nhà nước bị thất thoát vô cùng lớn. Rừng
phòng hộ Sóc Sơn bị hô biến hàng trăm héc-ta để phục vụ các đại gia làm
nhà vườn, công trình tiêu khiển. Trách nhiệm của ai? Đương nhiên trong
này có cả khuyết điểm của đồng chí Nguyễn Phú Trọng (hồi còn ở HN),
nhưng chính đồng chí Bí thư Phạm Quang Nghị phải chịu trách nhiệm lớn.
Lúc chưa được nhiều quyền tự quyết trong tay thì đồng chí Nghị đấu bằng
được Luật Thủ đô để giành quyền và tiền từ các bộ ngành. Tưởng có Luật
Thủ đô, Hà Nội sẽ cất cánh như lời hứa của đồng chí. Nào dè, từ ngày có
Luật Thủ đô, Hà Nội càng nát. Mà lạ thật, khi xây dựng luật Thủ đô, đồng
chí chỉ đòi quyền và tiền trong các mảng xây dựng cơ bản, đầu tư, tài
chính. Chẳng thấy đồng chí đòi giành thêm quyền về văn hóa xã hội, tạo
việc làm …
Vừa qua, thực hiện nghị quyết TW4 về phê và tự phê, Hà Nội làm rất rầm
rộ và rốt cuộc thì mọi thứ đều tốt – cứ như trò đùa vậy. Nhìn nhận khách
quan, đồng chí Phạm Quang Nghị chưa thấy hết trách nhiệm của người đứng
đầu Đảng bộ Thủ đô, chưa nghiêm túc nhìn thẳng vào sự thật để khắc phục
sửa chữa khuyết điểm. Người đứng đầu Đảng bộ đã vậy nên mặc dù HN bê
bết mà đợt tự phê vừa qua cả Đảng bộ HN vẫn vững mạnh trong sạch … Thực
tế cho thấy HN thực hiện nghị quyết TW4 theo kiểu “ngụy trang”. Kết quả
tự phê bình và lấy phiếu tín nhiệm thì anh nào cũng tốt, cũng hay. Không
lẽ theo đồng chí Nghị toàn bộ những tiêu cực, khuyết điểm nhãn tiền là
do thế lực thù địch?
Còn nhớ trong trận lụt kỷ lục ở HN 2008, giữa lúc nhân dân đang điêu
đứng khốn cùng vì thiên tai thì ngày 2/11/2008, khi trả lời phỏng vấn
báo Vietnamnet, đồng chí Nghị nói: “Tôi thấy nhân dân ta bây giờ so với
ngày xưa ỷ lại Nhà nước lắm. Cứ chờ trên về, chờ cung cấp cái này, hỗ
trợ cái kia chứ không đem hết sức ra tự làm...”
Câu nói trên của đồng chí Phạm Quang Nghị với vai trò là Ủy viên Bộ
Chính trị, Bí thư Thành ủy HN là minh chứng sống động cho thấy con người
thật, bản chất thật của đồng chí Phạm Quang Nghị. Vậy mà, Hội nghị
Trung ương 7 lại có ý kiến cơ cấu đồng chí làm nhà lãnh đạo kế cận của
Đảng để chèo lái quốc gia trong thời kỳ mới thì thật là nguy hiểm cho
nhân dân, cho đất nước.
(Cầu Nhật Tân)